Bệnh tay chân miệng là gì? Triệu chứng và cách điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ

  Sinh Lý

Bệnh tay – chân – miệng (TCM) là một hội chứng bệnh do virus đường ruột  Coxsackie A16 gây ra. Đây là một bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ(dưới 6 tuổi). Cũng có thể gặp ở người lớn nhưng rất hiếm. Bệnh thường phát sinh từ tháng 2-4 và tháng 9-12

Triệu chứng của bệnh

Biểu hiện của bệnh tay chân miệng:

Thời gian ủ bệnh: từ 3-6 ngày.

Sốt: có thể sốt nhẹ thoáng qua, cũng có thể sốt cao 39- 40 độ C.

Đau họng, chảy nước bọt liên tục.

Ăn kém, bú kém hoặc bỏ bú, bỏ ăn.

Khó ngủ, quấy khóc, run chi, giật mình nhiều một cách bất thường.

Nổi mụn ở da, niêm mạc chủ yếu nằm ở miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông.

Mụn ở miệng đa số là những vết loét đỏ (do các bọng nước vỡ ra), đường kính 2-3mm ở vòm họng, niêm mạc má, nướu răng, lưỡi.

Mụn ở da: thường là bọng nước, có đường kính 2-10 mm, hình bầu dục, hoặc hơi tròn, nổi cộm hay ẩn dưới da, trên nền hồng ban, không đau, khi bọng nước khô, để lại vết thâm da. Chú ý: có một số tình huống không điển hình chỉ có loét miệng, nổi mụn da rất ít, hoặc không rõ ràng dạng bọng nước, mà chỉ là dạng chấm hoặc hồng ban.

Các biểu hiện khi có biến chứng:

Triệu chứng thần kinh: rung giật cơ, bứt rứt, lừ đừ, yếu chi, co giật, hôn mê.

Triệu chứng của đường hô hấp và tim mạch: thường xuất hiện khi bệnh trở nặng: mạch nhanh, tay chân lạnh, thở nhanh hơn bình thường, sùi bọt hồng ở miệng.Thời gian bị bệnh tay chân miệng: Bệnh thường kéo dài 5-7 ngày nếu không có biến chứng.

Điều trị Y tế

Điều trị trong y tế bao gồm: Acetaminophen (Tylenol), thuốc chống viêm không Steroid/NSAIDs (Ibuprofen/Motrin hoặc Advil, Naproxen/Naprosyn).

Nguyên nhân bệnh Tay – chân – miệng

Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là virus Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71.

Bệnh tay chân miệng lây truyền như thế nào:

Tay chân miệng có thể lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước, hoặc phân của người bị nhiễm bệnh. Người bị bệnh có thể làm lây truyền bệnh nhiều nhất trong tuần đầu tiên của bệnh, nhưng thời gian gian lây nhiễm có thể kéo dài trong vài tuần (do virus vẫn tồn tại trong phân).

Bệnh Tay chân miệng không lây truyền từ người tới vật nuôi/động vật và ngược lại.

Phòng ngừa bệnh Tay – chân – miệng

Nguyên tắc phòng bệnh:

  • Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu.
  • Áp dụng các biện pháp phòng bệnh đối với bệnh lây qua đường tiêu hoá, đặc biệt chú ý tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây.

Phòng bệnh tại các cơ sở y tế:

  • Cách ly theo nhóm bệnh.
  • Nhân viên y tế: Mang khẩu trang, rửa, sát khuẩn tay trước và sau khi chăm sóc.
  • Khử khuẩn bề mặt, giường bệnh, buồng bệnh bằng Cloramin B 2%.
  • Xử lý chất thải theo quy trình phòng bệnh lây qua đường tiêu hoá.

Phòng bệnh ở cộng đồng:

  • Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt).
  • Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà.
  • Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2%.
  • Cách ly trẻ bệnh tại nhà: Không đến nhà trẻ, trường học trong tuần đầu tiên của bệnh.
  • Pha nước javel theo hướng dẫn ghi trên nhãn, thường có nồng độ là 0,05%. Với nồng độ này bạn có thể làm vệ sinh các bề mặt mỗi ngày.
  • Để khử khuẩn hàng tuần bạn nhân đôi nồng độ trên (0,1%).

Điều trị bệnh Tay – chân – miệng như thế nào?

Nguyên tắc điều trị:

  • Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ (không dùng kháng sinh khi không có bội nhiễm).
  • Theo dõi sát, phát hiện sớm và điều trị biến chứng.
  • Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng.

Các cấp độ điều trị khi mắc tay chân miệng

Độ 1:

Chỉ loét miệng và/hoặc tổn thương da. Trường hợp này bệnh nhân điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở.

  • Dinh dưỡng đầy đủ theo tuổi. Trẻ còn bú cần tiếp tục cho ăn sữa mẹ.
  • Vệ sinh răng miệng.
  • Nghỉ ngơi, tránh kích thích.
  • Tái khám mỗi 1-2 ngày trong 5-10 ngày đầu của bệnh
  • Điều trị sốt và loét miệng:
    – Hạ nhiệt: Khi trẻ sốt cao từ 38,5*C trở lên cần cho trẻ dùng ngay thuốc hạ nhiệt acetaminophen (paracetamol).
    – Bổ sung đủ nước: Cho trẻ uống dung dịch điện giải (oresol; hydrit).
    – Khi trẻ có sốt và loét miệng cần bổ sung vitamin C, kẽm…
    – Điều trị loét miệng họng: Dùng dung dịch glycerin borat lau sạch miệng trước và sau ăn. Gel rơ miệng (kamistad; zyttee…) có tác dụng sát khuẩn và giảm đau giúp trẻ ăn uống dễ dàng hơn.
    Khi có triệu chứng não – màng não:
    – Cần dùng thuốc chống co giật: phenobarbital.
    – Dùng kháng sinh: Cefotaxim điều trị như viêm màng não vi khuẩn.
    – Theo dõi sát các triệu chứng hô hấp.
  • Dặn dò dấu hiệu nặng cần tái khám ngay:
    • Sốt cao ≥ 39*C.
    • Thở nhanh, khó thở.
    • Rung giật cơ, chới với, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ.
    • Co giật, hôn mê.
    • Yếu liệt chi.
    • Da nổi vân tím.

Độ 2: Bệnh nhân có biến chứng thần kinh hoặc tim mạch mức độ trung bình. Bệnh nhân cần được điều trị nội trú tại bệnh viện huyện hoặc tỉnh.

  • Chỉ định nhập viện:
    • Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp (từ độ 2).
    • Sốt cao ≥ 39*C.
    • Nôn nhiều.
    • Nhà xa: không có khả năng theo dõi, tái khám.

Độ 3: Bệnh nhân bị biến chứng nặng về thần kinh, hô hấp, tim mạch. Cần để người bệnh điều trị nội trú tại bệnh viện tỉnh hoặc bệnh viện huyện nếu đủ điều kiện.

Độ 4: Bệnh nhân có biến chứng rất nặng, khó hồi phục, do đó cần điều trị nội trú tại bệnh viện trung ương hoặc bệnh viện tỉnh, huyện nếu đủ điều kiện.

Trẻ em mắc bệnh cần làm gì?:

Nếu trẻ mắc bệnh chân tay miệng, khi cho trẻ ăn uống,  cần lưu ý những điểm sau:

  • Rửa sạch tay trẻ trước khi cho trẻ ăn, không cho trẻ ngậm đồ chơi hay ngậm tay trong miệng.
  • Cho trẻ ăn những món ăn trẻ thích. Không nên ép trẻ ăn khi trẻ đã từ chối ăn.
  • Do có vết loét trong miệng nên trẻ thường đau và không muốn ăn. Vì vậy, cần nấu thức ăn thật nhuyễn, mềm, đủ chất, làm lỏng thức ăn để trẻ dễ ăn hơn. Với rau củ quả, cũng cần nấu nhuyễn cho trẻ.
  • Phải làm nguội thức ăn rồi mới cho trẻ ăn.
  • Cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ vì trẻ bị đau miệng nên mỗi bữa trẻ không ăn được nhiều.
  • Khi cho trẻ ăn, tránh để thìa chạm vào vết loét trong miệng trẻ.
  • Có thể cho trẻ ăn sữa chua, sữa bột, hoặc bột dinh dưỡng, cháo nấu thật nhuyễn, súp hầm kỹ, nước hoa quả tươi mát.
  • Đặc biệt nếu trẻ còn bú mẹ, cần cho trẻ bú như bình thường, có thể tăng số lần bú hàng ngày của trẻ.
  • Sau khi trẻ ăn xong, cần cho trẻ súc miệng sạch sẽ hoặc lau sạch miệng trẻ.

Khả năng miễn dịch:

Bệnh tay chân miệng do nhiều loài virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra.

Nếu mắc bệnh do loài virus nào thì sẽ miễn dịch đối với loài đó. Tuy nhiên, vì đa số bệnh tay chân miệng là nhẹ, có thể khỏi trong vòng 7 đến 10 ngày, bạn không biết là do loài virus nào. Vì vậy bạn có thể mắc lại bệnh tay chân miệng một lần khác khi nhiễm loại virus khác với virus gây bệnh lần trước.

Khả năng miễn dịch chéo giữa các loài thuộc nhóm Enterovirus có ghi nhận nhưng không chắc chắn lắm.

Các bệnh tương tự

  • Dị ứng da: nổi hồng ban đa dạng nhiều hơn bọng nước.
  • Viêm da mủ: da nổi ban đau, đỏ, có mủ, không thấy mụn rộp trong niêm mạc miệng.
  • Thủy đậu: ban, mụn rộp có nhiều lứa tuổi và rải rác toàn thân, không tập trung đặc biệt ở một vùng nào

 

LEAVE A COMMENT